KẾ HOẠCH TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN BỘ LUẬT LAO ĐỘNG

Lượt xem:

Đọc bài viết

Căn cứ Kế hoạch số 31/KH-UBND, ngày 20 tháng 01 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông về việc triển khai thực hiện Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Thực hiện Công văn số 144/SGDĐT-TTr, ngày 28 tháng 01 năm 2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông về việc triển khai thực hiện Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Thư viện trường THPT Hùng Vương xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động 2019 cụ thể như sau:

  1. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
  2. Mục đích

Tuyên truyền, phổ biến kịp thời nội dung của Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động 2019 đến cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ quan, đơn vị nhằm tạo điều kiện để người lao động cập nhật các thông tin về pháp luật lao động nhất là các nội dung mới sửa đổi, ban hành hướng dẫn thực hiện Bộ luật Lao động 2019, giúp người lao động kịp thời nắm bắt được các thông tin cần thiết về giải quyết quyền và nghĩa vụ của người lao động, thực hiện đúng các quy định của pháp luật, ngăn ngừa tranh chấp lao động, đình công xảy ra.

Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người lao động về thi hành Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động 2019, đảm bảo tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.

  1. Yêu cầu

Việc triển khai thực hiện thi hành Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động 2019 phải được tiến hành đồng bộ, thiết thực, hiệu quả đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

  1. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM
  2. Thời gian

– Ngày:  08/3/2021

  1. Địa điểm

– Tại sân trường THPT Hùng Vương

III. ĐẠI BIỂU VÀ THÀNH PHẦN THAM GIA

  1. ĐẠI BIỂU

– Ban giám hiệu nhà trường

  1. Thành phần tham gia

– Công đoàn, Đoàn TN

– Cán bộ, Giáo viên, công nhân viên

  1. BAN CHỈ ĐẠO – BAN TỔ CHỨC

– Ban Giám hiệu nhà trường

– Ban tổ chức: Thư viện – Đoàn TN

  1. NỘI DUNG
  2. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động 2019.

Bộ luật Lao động 2019 gồm 17 chương, 220 điều, được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2019, hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021 và thay thế Bộ luật Lao động năm 2012. Bộ luật có nhiều quy định mới nhằm bảo đảm tốt hơn quyền, nghĩa vụ của các bên, góp phần xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hoà, ổn định, phù hợp hơn với điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ở Việt Nam.

  • Cụ thể như sau:

Chương I. Những quy định chung, gồm 8 điều (từ Điều 1 đến Điều 8).

Chương II. Việc làm, tuyển dụng và quản lý lao động, gồm 4 điều (từ Điều 9 đến Điều 12).

Chương III. Hợp đồng lao động, gồm 46 điều (từ Điều 13 đến Điều 57).

Chương IV. Giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề, gồm 4 điều (từ Điều 59 đến Điều 62).

Chương V. Đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể, gồm 27 điều (từ Điều 63 đến Điều 89).

Chương VI. Tiền lương, gồm 15 điều (từ Điều 90 đến Điều 104).

Chương VII. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, gồm 12 điều (từ Điều 105 đến Điều 116).

Chương VIII. Kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất, gồm 15 điều (từ Điều 117 đến Điều 131).

Chương IX. An toàn, vệ sinh lao động, gồm 3 điều (từ Điều 132 đến Điều 134).

Chương X. Những quy định riêng đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới, gồm 8 điều (từ Điều 135 đến Điều 142).

Chương XI. Những quy định riêng đối với lao động chưa thành niên và một số lao động khác, gồm 25 Điều (từ Điều 143 đến Điều 167).

Chương XII. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, gồm 02 điều (Điều 168 và Điều 169).

Chương XIII. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, gồm 9 điều (từ Điều 170 đến Điều 178).

Chương XIV. Giải quyết tranh chấp lao động, gồm 33 điều (từ Điều 179 đến Điều 211).

Chương XV. Quản lý Nhà nước về lao động, gồm 02 Điều (Điều 212 và Điều 213).

Chương XVI. Thanh tra lao động, xử lý vi phạm pháp luật về lao động, gồm 4 điều (từ Điều 214 đến Điều 217).

Chương XVII. Điều khoản thi hành, gồm 3 Điều (từ Điều 218 đến Điều 220).

  • MỘT SỐ NỘI DUNG CỤ THỂ VỀ MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG NĂM 2019

1.1. Những quy định chung

– Sửa đổi, bổ sung khái niệm người lao động (bỏ 2 dấu hiệu nhận diện là “làm việc theo hợp đồng lao động” và “từ đủ 15 tuổi trở lên” so với Bộ luật Lao động năm 2012).

– Bổ sung quy định về độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi, trừ trường hợp quy định tại Mục 1 Chương XI (Lao động chưa thành niên) Chương XI.

– Bổ sung thuật ngữ “Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” và “Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở”. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

– Giải thích thuật ngữ “Quan hệ lao động” bao gồm quan hệ lao động cá nhân và quan hệ lao động tập thể.

– Bổ sung thuật ngữ “Phân biệt đối xử trong lao động” là hành vi phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên dựa trên chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, dân tộc, giới tính, độ tuổi, tình trạng thai sản, tình trạng hôn nhân, tôn giáo, tín ngưỡng, chính kiến, khuyết tật, trách nhiệm gia đình hoặc trên cơ sở tình trạng nhiễm HIV hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có tác động làm ảnh hưởng đến bình đẳng về cơ hội việc làm hoặc nghề nghiệp.

Việc phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên xuất phát từ yêu cầu đặc thù của công việc và các hành vi duy trì, bảo vệ việc làm cho người lao động dễ bị tổn thương thì không bị xem là phân biệt đối xử.

– Bổ sung thuật ngữ “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc” là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của (người sử dụng lao động) NSDLĐ.

1.2. Về tuổi nghỉ hưu (Điều 169)

Tuổi nghỉ hưu chung trong điều kiện lao động bình thường, nam nghỉ hưu ở tuổi 62 (vào năm 2028) và nữ ở tuổi 60 (vào năm 2035) theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam và mỗi năm tăng 4 tháng đối với nữ kể từ năm 2021.

Quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, được áp dụng đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, được áp dụng đối với NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt.

1.3. Chế định Hợp đồng lao động

– Loại hợp đồng lao động (HĐLĐ): Gồm có 2 loại: HĐLĐ không xác định thời hạn; HĐLĐ có thời hạn không quá 36 tháng (bỏ loại HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng).

– Phương thức mới giao kết HĐLĐ: HĐLĐ được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.

– Phụ lục HĐLĐ: Phụ lục HĐLĐ không được sửa đổi thời hạn của HĐLĐ.

– Về thẩm quyền giao kết HĐLĐ: Quy định rõ trong Bộ luật về các chủ thể giao kết HĐLĐ bên phía (người lao động) NLĐ và NSDLĐ; bổ sung nguyên tắc người được ủy quyền giao kết HĐLĐ không được ủy quyền lại cho người khác giao kết HĐLĐ.

– Về thử việc: Hai bên có thể lựa chọn linh hoạt thử việc là một nội dung trong HĐLĐ hoặc ký hợp đồng thử việc riêng; trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc HĐLĐ đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường. Bổ sung quy định thời gian thử việc không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp.

– Về quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NLĐ

+ NLĐ chỉ cần thông báo trước cho NSDLĐ một khoảng thời gian theo luật định (bỏ quy định về việc phải có 1 trong các lý do được liệt kê trong Bộ luật).

+ Thời hạn báo trước là 45 ngày/30 ngày/3 ngày, tùy loại HĐLĐ đã giao kết; đối với một số ngành nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước theo quy định của Chính phủ; quy định 7 trường hợp không cần thông báo trước.

– Về quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ

+ Bổ sung thêm 3 trường hợp: (1) NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu trừ trường hợp có thỏa thuận khác; (2) NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên; (3) NLĐ cung cấp không trung thực thông tin khi giao kết HĐLĐ làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng lao động.

+ Thời hạn báo trước: 45 ngày/30 ngày/3 ngày tùy loại HĐLĐ; đối với một số ngành nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước theo quy định của Chính phủ; quy định 2 trường hợp không phải báo trước.

– Trách nhiệm khi chấm dứt HĐLĐ:

+ Tăng thêm thời gian từ 7 ngày lên 14 ngày làm việc để hai bên NLĐ và NSDLĐ thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi mỗi bên; trường hợp đặc biệt vẫn giữ nguyên không quá 30 ngày.

+ Quy định bổ sung trách nhiệm của NSDLĐ hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng BHXH của NLĐ, cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của NLĐ nếu NLĐ có yêu cầu và trả mọi chi phí sao gửi tài liệu.

– Tuyên bố HĐLĐ vô hiệu: Bỏ thẩm quyền của Thanh tra lao động trong việc tuyên bố Hợp đồng lao động vô hiệu. Theo đó, chỉ còn duy nhất Tòa án nhân dân mới có thẩm quyền tuyên bố Hợp đồng lao động vô hiệu.

1.4. Chế định Thời giờ làm việc – thời giờ nghỉ ngơi

– Nghỉ lễ tết: Bổ sung thêm 01 ngày nghỉ lễ liền kề trước hoặc sau ngày Quốc khánh 02/9, tùy điều kiện thực tế và do Thủ tướng Chính phủ quy định.

– Về thời giờ làm thêm

+ Nới trần làm thêm giờ theo tháng từ 30 giờ/tháng lên 40 giờ/tháng.

+ Quy định cụ thể các trường hợp được làm thêm giờ đến 300 giờ/năm

– Nghỉ trong giờ làm việc: Chính sách không thay đổi so với hiện hành nhưng được sửa đổi về mặt kỹ thuật, pháp điển từ Nghị định hiện hành để rõ ràng, minh bạch hơn:

+ NLĐ làm việc theo thời giờ làm việc bình thường (quy định tại Điều 105 của Bộ luật) từ 6 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc vào ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.

+ Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 6 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào thời giờ làm việc.

1.5. Chế định kỷ luật lao động – trách nhiệm vật chất

– Sửa đổi căn cứ để NSDLĐ xem xét, áp dụng kỷ luật lao động không chỉ là nội quy lao động mà còn bao gồm các quy định của pháp luật về lao động, thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

– Nội dung của Nội quy lao động: Bổ sung thêm: (1) phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; (2) người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động.

– Xử lỷ kỷ luật lao động: Hành vi vi phạm phải được quy định trong Nội quy lao động, hợp đồng lao động hoặc pháp luật lao động (bổ sung căn cứ để NSDLĐ xem xét, áp dụng kỷ luật lao động).

– Hình thức xử lỷ kỷ luật sa thải: Riêng với các hành vi của NLĐ gồm trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc, thì NSDNLĐ có thể áp dụng sa thải ngay (mà không cần phải được quy định trong Nội quy lao động).

1.6. Chế định lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới

– Hoàn thiện các quy định về bảo vệ thai sản, bảo đảm và tạo điều kiện để NLĐ nữ thực hiện quyền của mình; hạn chế tối đa các quy định cấm.

+ Quy định danh mục công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con của NLĐ (thay thế cho danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ), để trên cơ sở đó, NLĐ cân nhắc có thực hiện hay không thực hiện công việc đó; đồng thời quy định NSDLĐ phải cung cấp đầy đủ thông tin về tính chất nguy hiểm, nguy cơ, yêu cầu của công việc để NLĐ lựa chọn và phải bảo đảm điều kiện an toàn, vệ sinh lao động.

+ NSDLĐ có thể sử dụng NLĐ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa nếu được người lao động đồng ỷ.

+ Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc danh mục công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho NSDLĐ biết thì được NSDLĐ chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hàng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và các quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

– Bảo đảm bình đẳng giới: Quy định chính sách của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền bình đẳng của lao động nữ, lao động nam, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới và phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Sửa đổi một số quy định áp dụng chung cho cả lao động nam và lao động nữ, như: NSDLĐ có trách nhiệm giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho NLĐ.

– Ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới: Áp dụng với trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

1.7. Chế định lao động đặc thù

  1. Người lao động cao tuổi

– Định danh rõ ràng về người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường (theo lộ trình nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi).

– Cho phép 2 bên thỏa thuận, thay vì bắt buộc phải cho NLĐ cao tuổi rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.

– Bỏ quy định năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu, NLĐ được rút ngắn thời giờ làm việc bình thường hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.

– Cho phép giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.

  1. Lao động là người khuyết tật

– Trao quyền cho lao động là người khuyết tật tự quyết định làm hoặc không làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trên cơ sở được NSDLĐ cung cấp thông tin đầy đủ về công việc đó.

– Trao quyền cho lao động là người khuyết tật được tự quyết định về việc làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.

1.8. Sửa đổi các Luật có liên quan

– Sửa đổi 3 điều của Luật Bảo hiểm xã hội (Điều 54, 55, 73) liên quan về điều kiện hưởng lương hưu do Bộ luật Lao động đã điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu.

– Sửa đổi một điều của Bộ luật tố tụng dân sự (Điều 32) về những tranh chấp về lao động và tranh chấp liên quan đến lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

  1. Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến về Bộ luật Lao động 2019 cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và người lao động trong nhà trường.

Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến về Bộ luật Lao động 2019 cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và người lao động đã được triển khai, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động. Cán bộ, giáo viên, nhân viên và người lao động có nếp sống lành mạnh, không vi phạm các tệ nạn xã hội và chấp hành nghiêm pháp luật, nội quy, quy định trong nhà trường.

 

Trên đây là kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động trong năm học 2020 – 2021. Đề nghị tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và người lao động tham gia nghiêm túc và đạt hiệu quả.

“Nguồn: Kế hoạch số 22/KH – TV, người lập kế hoạch: Cô Lê Thị Thu Thủy – Cán bộ thư viện”